Sunday, September 27, 2015


Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày nay đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm.Nhưng, bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm vẫn càng lúc càng trở nên trầm trọng. Điều này khiến ta phải suy nghĩ…
Đề bài: Nghị luận về môi trường: Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta
Bài làm:
Môi trường sống xung quanh cho ta sự sống, là điều kiện để ta tồn tại và phát triển. Vậy nên bảo vệ môi trường sống cũng là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Giờ đây, bảo vệ môi trường không phải là công việc của riêng ai nữa, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, của mỗi một con người tồn tại trên hành tinh này và trước hết nó phải bắt đầu từ mỗi gia đình - tế bào của xã hội.
Hơn bao giờ hết, mỗi thành viên trong gia đình, từ người già đến trẻ em, phải xây dựng được tác phong làm việc, sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường. Tất cả mọi người phải luôn coi đây như việc làm hằng ngày như đánh răng, rửa mặt vậy. Do đó, vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong gia đình trở nên rất quan trọng. Nó phải được đặt ra một cách thường xuyên, mọi lúc mọi nơi. Chúng ta nên giáo dục ý thức bảo vệ môi trường bằng cả lời nói đến việc làm, bằng tuyên truyền thuyết phục gắn với nêu gương. Ông bà, bố mẹ phân tích, chỉ bảo, làm gương cho con cháu. Mọi phương pháp giáo dục con trẻ sẽ chẳng có giá trị gì khi người lớn không làm gương trong việc bảo vệ môi trường hoặc thấy con trẻ sai mà không nhắc nhở đến nơi, đến chốn.
Một đứa trẻ biết vứt rác đúng chỗ mà được người lớn tán dương, khen ngợi thì đó sẽ là lời cổ vũ, động viên to lớn để định hướng hành vi của chúng sau này. Hoặc hôm nay chúng vứt rác chưa đúng nơi quy định mà được người lớn nhắc nhở tận nơi hành vi đó là sai thì ngày mai chúng sẽ không làm như thế nữa. Còn ngược lại, nếu như hành vi đó chỉ nhận được một thái độ thờ ơ, vô cảm của người lớn hoặc chính bố mẹ, ông bà chúng cũng vứt rác bừa bãi thì ngày mai, ngày kia và cả sau này nữa chúng vẫn vứt rác bừa bãi. Nói rộng ra, sau này khi chúng lớn lên, có thể chúng sẽ lại vô cảm, thờ ơ như bố mẹ chúng vậy. Rồi theo phản ứng dây chuyền, chúng sẽ lại có cách dạy con của chúng như thế, giống như cái cách mà thế hệ trước đã dạy chúng. Như vậy cả mấy thế hệ trong nhà chúng đều có cách hành xử với môi trường sống giống nhau.
Đó chỉ là một cách liên tưởng hơi xa của tác giả bài viết trong hàng trăm, hàng nghìn cách ứng xử khác nhau của con người đối với môi trường sống xung quanh. Đi vào từng trường hợp cụ thể sự việc có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Song theo lôgíc của toàn xã hội thì điều đó sẽ là hiện hữu. Nói như vậy để thấy rằng, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống trong từng gia đình nhỏ có tầm quan trọng như thế nào đến môi trường sống của toàn xã hội.
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường có thể đang làm xâm hại đến các giá trị truyền thống, hay làm con người ta trở nên vô cảm hơn trước những người xung quanh và công việc chung của cộng đồng. Nhưng đã đến lúc mỗi chúng ta đều phải thay đổi từ trong cách nghĩ đến cách làm. Môi trường sống là của chung chúng ta, chúng ta có quyền lợi được hưởng song cũng có trách nhiệm phải bảo vệ nó, cũng như bảo vệ cho chính cuộc sống của chúng ta vậy. Và tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng: Bảo vệ môi trường sống - hãy bắt đầu từ trong mỗi gia đình chúng ta.




Post a Comment: